18 05 2022

Hải Phòng cam kết phát triển KCN sinh thái hiệu quả và bền vững

“Hải Phòng cam kết phát triển KCN sinh thái hiệu quả và bền vững”, đó là lời khẳng định của lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) Hải Phòng tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các nhà tài trợ UNIDO, SECO và Ban Quản lý dự án KCN sinh thái tại thành phố Hải Phòng ngày 18/5/2022.


Trên cơ sở kết quả và tiến độ triển khai Dự án KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò là cơ quan điều phối quốc gia, đã tổ chức Đoàn công tác triển khai mô hình KCN sinh thái tại thành phố Hải Phòng.


Tham dự chương trình làm việc tại Hải Phòng có ông Lê Thành Quân - Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế (KKT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Ban Quản lý Dự án "Triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái


toàn cầu" (Dự án); bà Vương Thị Minh Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT, Phó Giám đốc Dự án; bà Sibylle Bachman, Phó trưởng bộ phận Hợp tác quốc tế, Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sĩ (SECO); bà Lê Thị Thanh Thảo, Trưởng đại diện Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) tại Việt Nam; lãnh đạo Ban Quản lý KKT Hải Phòng, lãnh đạo Công ty Cổ phần KCN Đình Vũ cùng các cán bộ Ban Quản lý Dự án, các cơ quan báo chí, truyền thông…


Trong chương trình, Đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo Ban Quản lý KKT Hải Phòng, Công ty Cổ phần KCN Đình Vũ; nội dung tập trung trao đổi về tình hình triển khai dự án KCN sinh thái, tình hình thực hiện Dự án KCN sinh thái tại KCN Đình Vũ (KCN DEEP C I) và định hướng của thành phố Hải Phòng trong chuyển đổi KCN sinh thái. Đồng thời khảo sát thực tế tại KCN Đình Vũ chuyển đổi sinh thái theo chương trình KCN sinh thái toàn cầu; khảo sát và trao đổi kinh nghiệm thực hiện các giải pháp KCN sinh thái với Công ty cổ phần SHINEC, chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền.

Hải Phòng cần thúc đẩy chuyển đổi KCN sinh thái nhanh và mạnh mẽ hơn nữa

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Ban Quản lý KKT Hải Phòng, các nhà tài trợ UNIDO và SECO, Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT Lê Thành Quân bày tỏ sự cảm ơn chân thành và đánh giá cao sự hỗ trợ nhiệt tình, hiệu quả của các nhà tài trợ UNIDO và SECO trong việc phát triển các mô hình phát triển bền vững tại Việt Nam, trong đó nổi bật là mô hình phát triển KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ mô hình KCN sinh thái toàn cầu. Vụ trưởng Lê Thành Quân nhấn mạnh, UNIDO và SECO đã tích cực hỗ trợ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương trong việc phát triển KCN sinh thái, góp phần cải thiện hiệu quả ba trụ cột quan trọng (kinh tế, môi trường và xã hội) để giúp Việt Nam có những bước đi đúng đắn nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất cho mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.

Vụ trưởng Lê Thành Quân khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đạt được những kết quả quan trọng trong pha trước của Dự án cho thấy sự tin tưởng và hỗ trợ hiệu quả của UNIDO và SECO. Dự án trong giai đoạn I đã đạt được nhiều thành công và có ý nghĩa lớn trong hoàn cảnh khởi đầu mô hình KCN sinh thái còn khá mới mẻ tại Việt Nam; song trong quá trình triển khai Dự án, Ban Quản lý Dự án đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về mô hình phát triển bền vững đến các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Qua đó từng bước giúp Việt Nam có những kinh nghiệm quý báu về lộ trình chuyển đổi và các quy định để đạt được hiệu quả mô hình phát triển KCN sinh thái hiệu quả và bền vững“.

Khi chúng ta làm tốt giai đoạn I của Dự án thì các nhà tài trợ mới tin tưởng, tín nhiệm cho chúng ta tiếp tục triển khai giai đoạn II như hiện nay. Tôi hy vọng, Việt Nam tiếp tục được đón nhận sự quan tâm, hợp tác và hỗ trợ nhiệt tình, hiệu quả của các nhà tài trợ UNIDO và SECO để Dự án có nhiều cơ hội lan tỏa và triển khai KCN sinh thái mạnh mẽ trên phạm vi cả nước", 


Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế về tiến độ triển khai Dự án trong năm 2021, Vụ trưởng cho rằng, về khách quan do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên Ban Quản lý Dự án chưa có nhiều điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc và trao đổi trực tiếp với các địa phương thí điểm chuyển đổi KCN sinh thái. Về các kế hoạch tiếp theo của Dự án, Vụ trưởng mong muốn, năm 2022 Dự án sẽ thực hiện tốt tiến độ triển khai của Dự án theo đúng kế hoạch đã đặt ra trong cả năm 2022; đồng thời bù lại cho các hoạt động năm 2021 chưa kịp triển khai để các kế hoạch đặt ra không bị ảnh hưởng, đặc biệt là các hoạt động về tư vấn, tập huấn.


Về phía Thành phố Hải Phòng, Vụ trưởng Lê Thành Quân hoan nghênh tinh thần tiên phong trong việc tham gia thí điểm chuyển đổi KCN truyền thống sang mô hình KCN sinh thái, góp phần giúp Hải Phòng tạo lực kéo quan trọng thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội và phát triển môi trường bền vững. Đồng thời đề nghị trong thời gian tới, Hải Phòng cần thúc đẩy chuyển đổi KCN sinh thái nhanh, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa; lấy KCN DEEP C để lan tỏa hiệu ứng phát triển KCN sinh thái đến các KCN trên địa bàn, và tăng cường các hoạt động công sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp trong cùng một KCN, tiến tới tăng cường liên kết giữa các KCN trong Thành phố để Hải Phòng hướng đến mục tiêu trở thành Thành phố sinh thái như kỳ vọng và mong muốn của chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng.

Đánh giá tiến độ triển khai Dự án KCN sinh thái tại Hải Phòng, Vụ trưởng Lê Thành Quân nhấn mạnh, mặc dù trong bối cảnh của đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống, xã hội trong năm 2021, song Ban Quản lý KKT Hải Phòng đã phối hợp chặt chẽ với KCN DEEP C triển khai một số nhiệm vụ quan trọng, như đánh giá và vận động các doanh nghiệp tham gia cộng sinh công nghiệp.

Để triển khai các hoạt động tiếp theo tại KCN DEEP C đúng tiến độ và hiệu quả, Vụ trưởng đề nghị Ban Quản lý KKT Hải Phòng và nhà đầu tư hạ tầng DEEP C cần bàn bạc, thống nhất, có kế hoạch thời gian cụ thể để lựa chọn các doanh nghiệp trong KCN DEEP C có buổi gặp gỡ với bên tư vấn của Dự án; từ đó triển khai có các hoạt động trao đổi, tư vấn, hướng dẫn hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm góp phần nâng cao nhận thức về mô hình KCN sinh thái và các hoạt động cộng sinh công nghiệp, sản xuất sạch hơn, góp phần đưa Dự án đảm bảo về mặt tiến độ và chất lượng.


Luôn đồng hành và hỗ trợ hiệu quả cho mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam

Thay mặt Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO), bà Sibylle Bachmann-Phó trưởng Đại diện Văn phòng Hợp tác Thụy Sĩ tại Việt Nam cho biết: “Tăng trưởng kinh tế bền vững theo định hướng thị trường là mục tiêu cốt lõi trong Chương trình Hợp tác và Phát triển Kinh tế giai đoạn 2021-2024 của Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) tại Việt Nam. Phát triển KCN sinh thái là một dự án quan trọng nhằm thực hiện hóa mục tiêu đó. Do đó, chúng tôi cam kết hỗ trợ Việt Nam thông qua quan hệ đối tác giữa UNIDO và Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam để hoàn thiện và thực hiện các khung pháp lý cần thiết và cho phép chuyển đổi các KCN truyền thống của Việt Nam sang mô hình KCN sinh thái. Dự án cũng thực hiện thí điểm các mô hình KCN sinh thái cụ thể phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm thu hút đầu tư bền vững tại Việt Nam và nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp tại các KCN này”.


Chia sẻ về những thành quả bước đầu mà Việt Nam đạt được trong phát triển KCN sinh thái, bà Lê Thị Thanh Thảo, Trưởng đại diện Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) tại Việt Nam đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc phát triển mô hình KCN sinh thái tại Việt Nam (cụ thể trong giai đoạn I của Dự án và các hoạt động đang diễn ra của giai đoạn II Dự án đang triển khai tại 05 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Hồ Chí Minh).

Cũng theo bà Thanh Thảo, trong quá trình triển khai Dự án, Ban Quản ký Dự án và các địa phương thí điểm KCN sinh thái đã gặp nhiều khó khăn về dịch bệnh, về cơ chế chính sách…, UNIDO mong muốn các địa phương và doanh nghiệp tiếp tục chia sẻ những khó khăn, thách thức đang phải đối mặt trong quá trình triển khai KCN sinh thái để UNIDO và Chính phủ cùng các Bộ, ngành Việt Nam tiếp nhận các ý kiến phản hồi và có giải pháp hỗ trợ kịp thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Bà Thanh Thảo nhấn mạnh: “UNIDO có vai trò tư vấn pháp lý cho Chính phủ Việt Nam hỗ trợ cho các hoạt động phát triển KCN sinh thái tại Việt Nam. UNIDO cam kết luôn sẵn sàng đồng hành hợp tác với Chính phủ Việt Nam và hỗ trợ doanh nghiệp về tư vấn giải pháp kỹ thuật và hỗ trợ tiếp cận các nguồn tài chính xanh. UNIDO rất mong nhận được sự hỗ trợ chặt chẽ từ phía Chính phủ Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp để lan tỏa KCN sinh thái trên phạm vi cả nước”.

Bà Thanh Thảo vui mừng cho biết, buổi đi khảo sát thực tế tại KCN DEEP C đã được chứng kiến sự đổi thay nhanh chóng của KCN này sau 03 năm quay trở lại; KCN với cơ sở hạ tầng được xây dựng đồng bộ và hiện đại, đặc biệt các hạng mục công trình liên quan đến công tác bảo vệ môi trường được đầu tư bài bản và quy mô lớn (như khu sử dụng hệ thống điện mặt trời áp mái, hệ thống xử lý nước thải quan trắc tự động trực tuyến với sở tài nguyên môi trường, vườn ươm tái sử dụng nước thải…) đã chứng minh cho thấy, KCN DEEP C có thể đạt được tầm KCN sinh thái của thế giới.

Bà Thanh Thảo cho rằng, trong quá trình triển khai KCN sinh thái, chắc chắn KCN DEEP C sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, nhưng thật vui ngày hôm nay có nhiều vấn đề về chính sách đã được đề cập để giúp cho Ban Quản lý KKT Hải Phòng và KCN DEEP C nhanh chóng tiến đến mục tiêu phát triển KCN sinh thái nhanh, mạnh và hiệu quả hơn nữa.

‘Tôi chúc mừng KCN DEEP C đã đạt được nhiều thành công trong việc phát triển KCN sinh thái toàn diện và hiệu quả. Và hy vọng chúng ta sẽ được chứng kiến KCN DEEP C được chứng nhận trở thành KCN sinh thái trong thời gian gần nhất và trở thành mô hình KCN sinh thái đầu tiên và điển hình tại Việt Nam”, bà Thanh Thảo lạc quan hy vọng.


Hải Phòng phấn đấu trở thành địa phương có KCN sinh thái đầu tiên và điển hình của cả nước

Thay mặt lãnh đạo thành phố Hải Phòng nói chung và Ban Quản lý KKT Hải Phòng nói riêng, ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Quản lý KKT Hải Phòng cảm ơn sự giúp đỡ và hỗ trợ hiệu quả, tạo mọi điều kiện thuận lợi của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UNIDO và SECO đối với thành phố Hải Phòng trong việc phát triển KCN sinh thái và các mô hình phát triển bền vững.

Để thực hiện các mục tiêu phát triển KCN sinh thái theo hướng toàn diện, hiệu quả và bền vững, Trưởng ban Lê Trung Kiên mong muốn Ban Quản lý KKT Hải Phòng luôn nhận được sự quan tâm và hỗ trợ về mọi mặt của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đặc biệt là Vụ Quản lý các KKT) và các tổ chức quốc tế, nhất là UNIDO và SECO.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước các KCN, KKT trên địa bàn, Trưởng ban ông Lê Trung Kiên cam kết Ban Quản lý KKT Hải Phòng sẽ quyết tâm phấn đấu nỗ lực xây dựng và phát triển các KCN sinh thái trên địa bàn toàn diện, hiệu quả và bền vững; tích cực hỗ trợ toàn diện và hiệu quả cho KCN DEEP C và các KCN trên địa bàn Thành phố để Hải Phòng nhanh chóng trở thành địa phương có KCN sinh thái đầu tiên và điển hình của cả nước.


Kết quả bước đầu và định hướng phát triển KCN sinh thái tại Hải Phòng

Thay mặt Ban Quản lý KKT Hải Phòng, ông Bùi Ngọc Hải Phó Trưởng Ban Quản lý KKT Hải Phòng nhấn mạnh quan điểm của Thành phố Hải Phòng nói chung và Ban Quản lý KKT Hải Phòng nói riêng đó là tư duy “ Say mới” nên khi nhận được bất kỳ yêu cầu, đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các bên liên quan về các hoạt động triển khai KCN sinh thái, Thành phố đều tích cực hỗ trợ hiệu quả và sẵn sàng tham gia.

Ông Hải tiếp tục cho biết, hiện nay trên địa bàn Thành phố có 2 đơn vị đề xuất triển khai KCN sinh thái là Công ty Cổ phần KCN Đình Vũ (chủ đầu tư KCN Đình Vũ) và Công ty Cổ phần Shinec (chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền). Các công ty đang chủ động từng bước triển khai KCN sinh thái theo hướng dẫn tại Nghị định 82/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ.

Như vậy trên tổng diện tích 12 KCN Hải Phòng đang triển khai đầu tư (gần 5000 ha), diện tích mà hai KCN trực tiếp triển khai KCN sinh thái chiếm trên 16,5% diện tích trong các KCN đang triển khai của Hải Phòng.

Đến nay, Công ty Cổ phần Shinec đã thực hiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên một phần KCN với diện tích khoảng 339.822 m2, quy mô điện dự kiến tự cung khoảng53.319 kWp (Kilowatt-peak).Công ty Cổ phần Shinec cũng tích cực triển khai liên kết cộng sinh công nghiệp,thu hút các ngành nghề tái chế, xử lý chất thải:công ty đã thựchiện liên kết cộng sinh ngành nhựa thông qua thu hút chuỗi các nhà máy có hoạt động tái chế nhựa, sản xuất nguyên liệu thô, cộng sinh công nghiệp trong ngành thép tại KCN (Công Ty Cổ Phần luyện thép cao cấp Việt Nhật) nhằm tiến tới giảm thiểu toàn diện chất thải tại KCN Nam Cầu Kiền.

Công ty Cổ phần KCN Đình Vũ là đơn vị được thụ hưởng dự án KCN sinh thái của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đên nay Công ty đã hợp tác với Công ty Hóa chất DOW Việt Nam để thực hiện dự án thí điểm xây dựng đường nội bộ KCN Deep C từ nhựa tái chế. Dự án thí điểm 200m đường từ nhựa tái chế đã được triển khai xây dựng từ tháng 9/2019 và đang tiếp tục triển khai thử nghiệm xây dựng đường nội bộ khu công nghiệp Deep C2A từ nhựa tái chế với chiều dài 1.200m. Công ty cũng đã chủ động nghiên cứu thử nghiệm để triển khai dự án điện gió và điện mặt trời (lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà của các nhà đầu tư thứ cấp trong KCN với diện tích khoảng 2.865.030 m2, quy mô điện dự kiến tự cung khoảng 477.505 kWp).

Về định hướng phát triển KCN sinh thái tại Hải Phòng, Phó trưởng Ban Bùi Ngọc Hải cho biết, hiện nay Hải Phòng có 12 KCN đã và đang đầu tư với tổng diện tích khoảng 4.928 ha, trong đó 2 KCN đăng ký chuyển đổi sang KCN sinh thái là KCN Đình Vũ và KCN Nam Cầu Kiền. Mục tiêu đầy tham vọng của Hải Phòng là đến năm 2025 Hải Phòng sẽ phát triển thêm 15 KCN với quy mô 6200ha, mỗi năm thu hút vốn đầu tư từ 2,5-3 tỷ USD. Do vậy, lựa chọn phát triển KCN chất lượng cao để thúc đẩy thu hút đầu tư và phát triển bền vững là mục tiêu tối ưu nhất mà Hải Phòng luôn hướng tới ngay từ những ngày đầu phát triển KCN.

Ngay từ đầu vào, Ban Quản lý KKT Hải Phòng đã quản lý chặt chẽ đối với tất cả các dự án đầu tư, xem xét cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho những dự án phù hợp với quy hoạch của các KCN, khu chức năng trong KKT đã được phê duyệt; chú trọng thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, công nghệ tiên tiến tạo ra giá trị gia tăng, thân thiện với môi trường, các dự án công nghiệp hỗ trợ, các dự án sử dụng kinh tế tuần hoàn, cộng sinh công nghiệp; kiên quyết từ chối những dự án có nguy cơ gây ra ảnh hưởng xấu đến môi trường, phát sinh nhiều nước thải, chất thải rắn. Ban Quản lý định hướng,khuyến khích tạo điều kiện từng bước chuyển đổi các KCN đang hoạt động thành KCN sinh thái, xây dựng doanh nghiệp sinh thái, trước mắt ưu tiên vào các KCN: Đình Vũ, Deep C2A, Deep C2B, Nam Cầu Kiền. Phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động dán nhãn và chứng nhận nhãn xanh đối với KCN đạt tiêu chí KCN sinh thái và doanh nghiệp KCN sinh thái. Khuyến nghị các chủ dự án đầu tư mới hạ tầng áp dụng các tiêu chí sinh thái, xây dựng mô hình KCN sinh thái ngay từ khi quy hoạch.

Cùng với xu hướng phát triển sinh thái, việc chuyển đổi số gắn với xây dựng hệ thống các KCN thông minh cũng đang được Thành phố chỉ đạo theo hướng gắn kết chặt chẽ các KCN, cụm công nghiệp; giữa các KCN, cụm công nghiệp với phát triển đô thị, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn để hình thành một hệ sinh thái phát triển bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu tại COP26 mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết./.

Nguyễn Hằng