Việt Nam có khoảng 400 KCN, trong đó gần 300 KCN đang hoạt động. Các khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế (KKT) là những nơi thu hút đầu tư nước ngoài quan trọng, chiếm khoảng 1/3 tổng vốn đầu tư nước ngoài.
Các khu công nghiệp ở Việt Nam đóng góp tới một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho hơn 4 triệu lao động trực tiếp.
Để đạt được mục tiêu phát triển công nghiệp bền vững, toàn diện và phù hợp với các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), việc chuyển đổi các KCN sang mô hình KCNST là cần thiết.
Nghị định 35/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2022 của Chính phủ đã quy định chi tiết một số mô hình phát triển khu công nghiệp, trong đó có mô hình khu công nghiệp sinh thái với các chính sách, ưu đãi khuyến khích phát triển.
Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình Khu công nghiệp sinh thái Toàn cầu” do Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ tài trợ, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nhằm hỗ trợ hoàn thiện các văn bản hướng dẫn triển khai mô hình khu công nghiệp sinh thái, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các giải pháp KCN sinh thái tại một số địa phương để tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên và cải thiện hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của các doanh nghiệp.
Phương pháp tiếp cận:
Dự án tác động đến khu công nghiệp sinh thái ở 3 cấp độ:
- Can thiệp ở nhiều cấp:
Chính sách và khung pháp lý ở cấp quốc gia, vùng và địa phương;
Tăng cường năng lực của các tổ chức hỗ trợ phát triển khu công nghiệp sinh thái của quốc gia;
Phát triển khu công nghiệp sinh thái và nâng cao năng lực của các khu công nghiệp và doanh nghiệp trong KCN.
- Tiếp cận tích hợp: Dự án kế thừa các kết quả của Dự án "Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UNIDO thực hiện từ 2014 đến 2019 và các hướng dẫn triển khai KCN sinh thái của UNIDO, Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế khác.
Các KCN thí điểm triển khai KCNST: KCN Đình Vũ (Deep C - thành phố Hải Phòng), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng), KCN Trà Nóc 1&2 (Cần Thơ), KCN Amata (Đồng Nai), và KCN Hiệp Phước (thành phố Hồ Chí Minh)
Tác động đem lại:
Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển và chứng nhận KCN sinh thái;
Cải thiện hiệu quả tài nguyên thông qua giảm sử dụng nguyên liệu thô, nước và năng lượng;
Giảm ô nhiễm không khí thông qua giảm thiểu phát thải khí nhà kính, POP và sử dụng hóa chất độc hại;
Giảm chất thải thông qua thúc đẩy sản xuất sạch hơn và the 3R (Tiết giảm, Tái sử dụng và Tái chế);
Tăng năng suất;
Cải thiện năng lực cạnh tranh;
Tăng cường tiếp cận thị trường và nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa, sản phẩm theo hướng thân thiện với môi trường;
Tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức cho Ban Quản lý các KCN và các doanh nghiệp về các yêu cầu của KCN sinh thái.
Kết quả dự án
Dự án dự kiến đạt được 02 kết quả chính:
Kết quả 1: Khuyến khích phát triển và lồng ghép khu công nghiệp sinh thái trong các cơ chế chính sách và quy định liên quan
Với sự hỗ trợ của nhiều nhà tài trợ trong đó có GEF, SECO và UNIDO, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái. Những kết quả về cơ chế chính sách cần được phát huy thông qua xây dựng các thông tư và văn bản hướng dẫn triển khai mô hình này theo quy định tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP.
Kết quả 2: Xác định và triển khai thực hiện các cơ hội khu công nghiệp sinh thái nhằm đem lại lợi ích môi trường (như năng suất tài nguyên), lợi ích kinh tế và xã hội cho doanh nghiệp.
Dự án tập trung hỗ trợ việc chuyển đổi các khu công nghiệp thông thường nhằm: (i) đảm bảo các mục tiêu và kết quả cụ thể trong khoảng thời gian, nguồn lực tài chính và tổ chức nhất định và (ii) phù hợp với chính sách về môi trường và an ninh xã hội của UNIDO.
Hai khu công nghiệp điển hình được lựa chọn tại Việt Nam gồm Amata (Đồng Nai) và Deep C (Hải Phòng). Đây là các khu công nghiệp được đánh giá cao trong khung khu công nghiệp sinh thái toàn cầu, có nhiều tiềm năng cải thiện với sự hỗ trợ nhất định từ dự án. Sau khi được can thiệp, các khu công nghiệp này sẽ trở thành mô hình điểm cho các khu công nghiệp khác trong nước nghiên cứu thực hiện và khảo sát học tập kinh nghiệm.
Trên cơ sở áp dụng các công cụ lựa chọn khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp Hiệp Phước (thành phố Hồ Chí Minh) được nghiên cứu lựa chọn do có tiềm năng cải thiện rõ rệt. Các hoạt động can thiệp “chuyên sâu” sẽ được thực hiện tại khu công nghiệp này gồm: đánh giá Hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP), xác định và thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp đồng thời với các hoạt động tăng cường năng lực và hợp tác kỹ thuật.
Bên cạnh đó, dự án tiếp tục hỗ trợ phát triển các mạng lưới cộng sinh công nghiệp được xác định trong khuôn khổ dự án khu công nghiệp sinh thái do GEF-SECO tài trợ ở cấp doanh nghiệp và cấp khu công nghiệp tại các khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng) và Trà Nóc 1&2 (Cần Thơ).
Dự án cũng thực hiện nhiều hoạt động tăng cường năng lực cho khu công nghiệp khác có quan tâm để tăng cường nhận thức về khu công nghiệp sinh thái tại các khu công nghiệp khác trên cả nước.