Hình thành môi trường pháp lý thuận lợi cho phát triển khu công nghiệp sinh thái là một phần quan trọng trong các hoạt động hỗ trợ cấp quốc gia của Chương trình Khu công nghiệp sinh thái toàn cầu (GEIPP). Tại Việt Nam, GEIPP đã hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam, cụ thể là Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) trong quá trình cập nhật, sửa đổi và thay thế Nghị định 82/2018 quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế. Kết quả là Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế mới được ban hành vào ngày 28 tháng 5 năm 2022. Nghị định này là cơ sở quan trọng định hướng quá trình chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam. Nghị định mới có hiệu lực từ ngày 15 tháng 7 năm 2022.
Nghị định số 35/2022/NĐ-CP mới ban hành đưa ra một số thay đổi quan trọng so với Nghị định số 82/2018/NĐ-CP, được kỳ vọng sẽ tạo ra khung pháp lý hoàn thiện hơn cho các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp. Nghị định gồm 8 Chương và 76 Điều, quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh kết cấu hạ tầng, thành lập mới khu công nghiệp, khu kinh tế; chính sách phát triển khu công nghiệp; hệ thống thông tin quốc gia về khu công nghiệp; quản lý nhà nước về khu công nghiệp; và một số nội dung khác.
So với Nghị định 82/2018/NĐ-CP gần đây, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP (từ Điều 36 đến Điều 45) cung cấp hướng dẫn pháp lý rõ ràng hơn về việc chuyển đổi từ khu công nghiệp nâu sang khu công nghiệp sinh thái và hình thành khu công nghiệp sinh thái (công nghiệp xanh) bao gồm các yêu cầu tiên quyết về cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật, dịch vụ và tỷ lệ các công ty trong khu công nghiệp tham gia sử dụng Hiệu quả Tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP). Nghị định cũng hình thành cơ sở hợp tác công nghiệp giữa các công ty hoạt động trong khu công nghiệp và các cơ chế giám sát và báo cáo hàng năm. Nghị định đưa ra hướng dẫn các quy định về doanh nghiệp sinh thái.
Nghị định mới cũng khuyến khích áp dụng rộng rãi hơn phương pháp tiếp cận khu công nghiệp sinh thái với các ưu đãi tài chính đối với các công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp và doanh nghiệp sinh thái. Điều này đã được thể hiện cụ thể tại Khoản 2 Điều 39:
“Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp sinh thái và doanh nghiệp sinh thái được ưu tiên vay vốn ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và các quỹ, nhà tài trợ trong nước và quốc tế; được cấp tín dụng xanh tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài Việt Nam theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan; phát hành trái phiếu xanh theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu, pháp luật về bảo vệ môi trường để xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp sinh thái, thực hiện các biện pháp sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên và cộng sinh công nghiệp.”
Mục tiêu của chính phủ Việt Nam là phổ biến rộng rãi phương pháp tiếp cận của mô hình khu công nghiệp sinh thái góp phần thu hút đầu tư xanh đem lại giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu mới của thị trường quốc tế với doanh thu cao hơn. Để khuyến khích các nhà đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng khu công nghiệp sinh thái, chính phủ đưa ra chính sách ưu đãi vay vốn từ quỹ quốc gia nhằm khuyến khích các nhà đầu tư theo hướng mô hình khu công nghiệp sinh thái. Đối với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất và kinh doanh trong các khu công nghiệp, việc áp dụng mô hình khu công nghiệp sinh thái có thể đòi hỏi chi phí ban đầu cao hơn, tuy nhiên, kỳ vọng về lâu dài có thể giảm thiểu rủi ro cho hoạt động của doanh nghiệp và khả năng tiếp cận các thị trường mới với lợi nhuận cao hơn.
Xem chi tiết toàn bộ nội dung Nghị định số 35/2022 (tiếng Việt) tại đường link sau đây: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Nghi-dinh-35-2022-ND-CP-quan-ly-khu-cong-nghiep-kinh-te-482305.aspx