Ngày 16/10/2023 tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (FDI) với chủ đề “Đồng hành và phát triển” dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Chia sẻ về định hướng phát triển xanh, ông Bruno Jaspaert, Tổng Giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEPC, nhấn mạnh Việt Nam có thể tận dụng các lợi thế về vị trí địa lý, chính sách ưu đãi kinh tế và ổn định chính trị để hướng tới một tương lai tốt đẹp, đã và đang trở thành điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư. Với các lợi thế đó, khu công nghiệp Deep C đã nắm bắt được làn sóng đầu tư nước ngoài đang hướng đến thị trường Việt Nam. Nhân dịp này, ông bày tỏ lời cảm ơn sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước và Chính phủ Việt Nam.
Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ tại hội nghị COP26 với cộng đồng quốc tế về trung hòa carbon đến năm 2050 và xây dựng kế hoạch hành động để đạt được các mục tiêu đó. Theo ông Bruno Jaspaert, trong các năm qua, DEEPC đã chứng minh được rằng việc chuyển đổi theo hướng trở thành địa điểm đầu tư có tính bền vững là chiến lược đúng đắn. Để thực hiện được chiến lược còn cần phải thực hiện nhiều bước để hiện thực hóa sự thay đổi này.
“Việt Nam cần nghiên cứu các nguồn năng lượng thay thế càng sớm càng tốt. Đồng thời, cập nhật khuôn khổ pháp luật liên quan đến kinh tế tuần hoàn và tái chế là một việc cấp bách. Hiện nay, do thiếu hành lang pháp lý cần thiết cho việc tái sử dụng và cung cấp nước thải đã qua xử lý cho nhà đầu tư, vì vậy, DEEPC buộc phải xả nước thải đã qua xử lý ra biển” - Ông Bruno Jaspaert đề xuất.
Việc tạo cơ hội áp dụng các chuẩn mực báo cáo toàn cầu phi tài chính mới về ESG ở giai đoạn đầu của hệ thống báo cáo phi tài chính sẽ giúp Việt Nam tiên phong tạo lập xu hướng trong phát triển bền vững. Hiện nay, Việt Nam đang triển khai các giải pháp phát triển bền vững thông qua chương trình phát triển khu công nghiệp sinh thái do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ chức Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện. Ông cho hay trong thời gian gần đây, Khu công nghiệp DEEPC đã đón tiếp các đoàn đại biểu từ Bờ Biển Ngà, Indonesia và Úc để nghiên cứu hướng tiếp cận mới về khu công nghiệp sinh thái. Đây là minh chứng của lựa chọn chiến lược đem lại khác biệt lớn, cũng như Việt Nam có thể xây dựng mô hình để các quốc gia học tập. Ông mong muốn Chính phủ xem xét tạo chính sách khuyến khích phát triển khu công nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng thời gian thuê đất dài hạn hơn cho các khu công nghiệp sẵn sàng chuyển đổi sang mô hình sinh thái. Đồng thời, áp dụng chính sách thuế đặc biệt đối với các khu không thể hoặc không muốn chuyển đổi, và số thuế thu bổ sung này được dùng để xây dựng quỹ phát triển tương lai bền vững. Đây là biện pháp khuyến khích các nhà đầu tư đạt tiêu chuẩn phát triển bền vững và thống nhất tiêu chuẩn báo cáo phi tài chính. Ông cho rằng, nhiều bước đi đúng đắn đã được thực hiện tuy nhiên chặng đường hướng tới trung hòa carbon còn dài, cần có chiến lược cho phép các khu công nghiệp và các nhà đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài trở thành động lực thúc đẩy thay đổi nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững.
Đối với các kiến nghị của Deep C, Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, với vai trò là cơ quan đầu mối phụ trách Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh của Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ các Quyết định và Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về TTX; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa thành các chương trình thực hiện, đồng thời lồng ghép Chiến lược vào các cơ chế, chính sách có liên quan như sản xuất và tiêu dùng bền vững, cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs), kinh tế tuần hoàn, kế hoạch thực hiện các cam kết tại COP26… thể hiện quyết tâm chính trị lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ngành các cấp, các địa phương trong việc hiện thực hóa các cam kết phát triển bền vững.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc tham dự và phát biểu tại Hội nghị
Liên quan đến các giải pháp chuyển đổi theo hướng bền vững, đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhất trí với các kiến nghị về báo cáo phi tài chính, các chính sách đặc thù hơn cho KCN sinh thái như thời hạn thuê đất, nghiên cứu chính sách thuế đặc biệt cho các KCN chưa thực hiện chuyển đổi cho mục đích phát triển tương lai. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các Bộ các ngành có liên quan để đề xuất Quốc hội, Chính phủ trong quá trình điều chỉnh các chính sách về thuế, tài chính. Riêng đối với việc tái sử dụng nước, đặc biệt tái sử dụng nước cho các ngành công nghiệp và các khu công nghiệp, theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có trách nhiệm xây dựng các quy chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật hoặc quy định đối với việc xử lý nước thải sau khi sử dụng. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với chặt chẽ với các Bộ để đề xuất, hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn nêu trên.