Ngày 10/12/2024 Diễn đàn Kinh tế Tuần hoàn lần thứ 3 do Viện Chiến lược Tài nguyên Môi trường phối hợp với các Tổ chức quốc tế thực hiện với chủ đề “Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam- Từ Kế hoạch đến hành động” đã được tổ chức thành công tại Hà Nội, quy tụ nhiều lãnh đạo cấp cao từ phía chính phủ, khối tư nhân, các tổ chức phát triển xã hội, các chuyên gia và đại biểu quan tâm tới lĩnh vực phát triển bền vững.
Trong bối cảnh Việt Nam xác định kinh tế tuần hoàn (KTTH) là giải pháp thiết yếu để Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) đã tái khẳng định cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc thúc đẩy KTTH tại các khu công nghiệp sinh thái (KCNST).
Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn 2024 được tổ chức vào ngày 10/12/2024.
KCNST được coi là nền tảng quan trọng trong việc nhân rộng việc thực hành KTTH thông qua các giải pháp cộng sinh trong khu công nghiệp (IP), trong đó các công ty thành viên chia sẻ nguồn nguyên liệu, tối ưu hoá tài nguyên, giảm thiểu tác động môi trường Đây là chiến lược quan trọng nhằm thúc đẩy nền công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững và gia tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT), chia sẻ trong hội nghị:
"
Với sự hỗ trợ từ UNIDO và các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã thí điểm mô hình khu công nghiệp sinh thái từ năm 2014. Cho đến nay, các KCN đang thực hiện chuyển đổi sang KCNST đã chứng minh được hiệu quả trong việc giảm thiểu tác động đến môi trường và mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt cho doanh nghiệp và cộng đồng.
Chúng tôi xác định rằng, giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn 2045, việc chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái và xây dựng mới các khu công nghiệp sinh thái là một trong những trọng tâm để thực hiện cam kết của Chính phủ về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Các Bộ ngành liên quan đã và đang nỗ lực xây dựng, ban hành các quy định, hướng dẫn chế phù hợp, đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các khu công nghiệp, khu kinh tế nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, tạo nền tảng cho sự chuyển đổi và phát triển bền vững trong ngành công nghiệp."
Bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Diễn đàn KTTH 2024.
Từ những năm đầu triển khai tại Việt Nam, chương trình KCNST đã hỗ trợ 72 doanh nghiệp thuộc 4 khu công nghiệp chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái. Bằng cách áp dụng hơn 900 giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch được chương trình tư vấn, các doanh nghiệp đã tiết kiệm tổng cộng hơn 76 tỷ đồng mỗi năm (tương đương hơn 3 triệu USD), nhờ cắt giảm đáng kể việc tiêu thụ tài nguyên và nguyên vật liệu.
Cụ thể, chương trình đã giúp giảm hơn 22.000 MWh điện, 600.000 m³ nước sạch, hơn 140 TJ nhiên liệu hóa thạch và gần 3.600 tấn hóa chất cùng chất thải. Về mặt môi trường, những cắt giảm này đã góp phần giảm khoảng 32 kt khí CO₂ mỗi năm.
Không chỉ vậy, mô hình KCNST đã được phổ biến rộng rãi và chính thức thể chế hóa thông qua Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về quản lý KCN và khu kinh tế. Nghị định này đặt nền móng pháp lý cho việc chuyển đổi các KCN truyền thống sang KCNST, hỗ trợ các hoạt động liên quan và mở đường cho việc nhân rộng mô hình trong thời gian tới.
Mặc dù đã có những bước tiến quan trọng nhưng đến nay số lượng các KCN tại Việt Nam chuyển đổi sang mô hình KCNST còn khiêm tốn. Quá trình chuyển đổi này vẫn đối mặt với nhiều thách thức như rào cản trong tái sử dụng chất thải, phát triển năng lượng tái tạo, chia sẻ cơ sở hạ tầng để thực hiện cộng sinh công nghiệp, kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, việc triển khai các công nghệ tiên tiến phát thải carbon thấp để giải quyết vấn đề môi trường, đẩy nhanh chuyển đổi số trong KCN và tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh vẫn còn là khó khăn đối với doanh nghiệp trong KCN và nhà đầu tư khu công nghiệp.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Jerome Stucki, Trưởng bộ phận Kinh tế tuần hoàn và Tài nguyên của UNIDO, chia sẻ: “Các khu công nghiệp sinh thái là môi trường lý tưởng để thử nghiệm và nhân rộng những sáng kiến về cộng sinh công nghiệp. Sáng tạo và công nghệ mới là công cụ để chuyển đổi kinh tế tuần hoàn từ ý tưởng thành hiện thực.
UNIDO luôn sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam tháo gỡ những rào cản hiện tại, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế để Việt Nam có thể xây dựng khung pháp lý tích hợp kinh tế tuần hoàn vào chiến lược phát triển công nghiệp, áp dụng công nghệ xanh và đổi mới sản xuất, cũng như thúc đẩy hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế.”
Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Tuần hoàn 2024, UNIDO đã điều phối phiên thảo luận về "Thiết kế hướng tới kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực công nghiệp" với sự tham gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UNIDO, GIZ, và đại diện từ các doanh nghiệp như KCN DEEP C, Xi măng Lam Thạch. Các đại biểu đã thảo luận về vai trò của cộng sinh công nghiệp trong khu công nghiệp sinh thái trong việc giải quyết các thách thức môi trường, năng lượng và kinh tế theo hướng KTTH, nhấn mạnh sự cần thiết của đổi mới công nghệ, khung pháp lý rõ ràng, và hợp tác đa bên.
Trong thời gian tới, UNIDO sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong việc hoàn thiện khung pháp lý, mở rộng cơ hội tiếp cận vốn xanh và thúc đẩy thiết kế KTTH trong KCNST. Với tiềm năng phát triển công nghiệp, sự đồng thuận, đồng lòng của chính phủ và khối tư nhân, Việt Nam có thể tiến gần hơn tới các mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng một nền kinh tế xanh, hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.