Ngày 13 và 14 tháng 1 năm 2022 (13h30-17h), tại Hà Nội, Ban quản lý Dự án "Triển khai Khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình Khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) từ nguồn tài trợ của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tổ chức trực tuyến Hội thảo Tập huấn nâng cao năng lực Hiệu quả tài nguyên Sản xuất sạch hơn và Cộng sinh công nghiệp trong khu công nghiệp sinh thái. Buổi tập huấn do Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) đồng chủ trì đã cung cấp thông tin về lợi ích của khu công nghiệp sinh thái, giới thiệu khái niệm, phương pháp và công cụ để thực hiện hiệu quả tài nguyên sản xuất sạch hơn và cộng sinh công nghiệp trong khu công nghiệp sinh thái.
Các mối quan tâm và mong muốn từ Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai, Công ty Cổ phần Đô thị Amata Biên Hòa và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã được trao đổi, thảo luận; kế hoạch hoạt động và các bước hỗ trợ tiếp theo của Dự án với các doanh nghiệp và các bên liên quan tại Khu Công nghiệp Amata - Đồng Nai cũng đã được thiết lập.
Dự án tổng thể do UNIDO thực hiện từ năm 2020 đến năm 2023, hỗ trợ việc chuyển đổi các khu công nghiệp được lựa chọn tại Việt Nam gồm Amata (Đồng Nai), Deep C (Hải Phòng) và Hiệp Phước (TP Hồ Chí Minh), nhằm chứng minh các lợi ích về môi trường, kinh tế và xã hội gắn liền với mô hình phát triển Khu công nghiệp sinh thái. Đây là các khu công nghiệp có tiềm năng cải thiện rất lớn với sự hỗ trợ từ Dự án hoặc được kỳ vọng sẽ trở thành những khu công nghiệp kiểu mẫu cho cả nước.
Chủ trì hội thảo, ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Dự án đã phát biểu: “Quá trình công nghiệp hóa với tốc độ nhanh tại Việt Nam đã và đang đặt ra nhiều thách thức về môi trường. Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển, trong đó có khu công nghiệp theo hướng bền vững hơn, phù hợp với Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh, cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030 của Liên hợp quốc, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và mới đây nhất là cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị các bên (COP 26) tại Glasgow (Anh) về mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Vì vậy, Đây là sự kiện quan trọng nhằm phổ biến thông tin về mô hình Khu công nghiệp sinh thái không chỉ trong phạm vi các khu công nghiệp tham gia thí điểm, mà còn lan tỏa trên khắp cả nước”.
Trình bày về phương pháp Hiệu quả tài nguyên Sản xuất sạch hơn (RECP), ông Đinh Mạnh Thắng, chuyên gia của VNCPC cho rằng: “Mọi nền công nghiệp, ở bất cứ quy mô và lĩnh vực nào đều có thể tăng cường hiệu quả sản xuất bằng những phương pháp có hệ thống. Tăng cường hiệu quả tài nguyên tại các doanh nghiệp mang lại những lợi ích đáng kể về kinh tế và xã hội, chứ không chỉ đơn thuần là những lợi ích về môi trường. Việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về sản xuất, tiêu thụ nguyên vật liệu, năng lượng, nước và các dạng chất thải tại doanh nghiệp một cách hệ thống, liên tục sẽ là căn cứ quan trọng, quyết định cho sự thành công khi thực hiện RECP. Đây là một chiến lược quan trọng giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh và tiến tới phát triển bền vững”.
Về vấn đề Cộng sinh công nghiệp, ông Ankit Kapasi, chuyên gia của Sofies đã phân tích: “Cộng sinh công nghiệp hiểu đơn giản là sự liên kết giữa các cơ sở công nghiệp hoặc công ty mà trong đó chất thải hoặc phụ phẩm của một cơ sở này trở thành nguyên liệu cho cơ sở khác. Qua đó, nó góp phần tiết kiệm chi phí và giảm thiểu sử dụng tài nguyên bằng cách cùng nhau tối đa hóa sản lượng có thể được tạo ra, từ đó mang lại những lợi ích về kinh tế và môi trường. Trước hết, cộng sinh công nghiệp giúp tăng lợi nhuận và khả năng cạnh tranh, tạo cơ hội cho các công ty ở thời điểm hiện tại – cả tư nhân và nhà nước. Theo sau đó, nó mang lại lợi ích đáng kể cho môi trường bằng cách giảm nhu cầu về vật liệu và chất thải. Với thử thách bài toán về tiết kiệm và bảo vệ môi trường thì cộng sinh công nghiệp có thể trở thành giải pháp cho Việt Nam để hướng đến phát triển bền vững”.
Hội thảo với sự tham gia của các đại biểu đến từ Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, một số tổ chức quốc tế, hiệp hội tại Việt Nam, các chuyên gia trong và ngoài nước. Hội thảo góp phần chuẩn bị cho kế hoạch nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái trên cả nước, phát huy vai trò tích cực với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia, phù hợp với Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh và các cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030 của Liên hợp quốc và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu