12 03 2025

Hội Thảo Tham Vấn: Khung Chính Sách Về Tái Sử Dụng Nước Và Kinh Tế Tuần Hoàn Trong Các Khu Công Nghiệp Việt Nam

Sáng ngày 12/3/2025, tại Hải Phòng, hội thảo “Tham vấn khung chính sách về tuần hoàn, tái sử dụng nước trong các khu công nghiệp tại Việt Nam” đã diễn ra với sự tham gia của hơn 50 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, đơn vị phát triển hạ tầng khu công nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực môi trường.

Sự kiện do Ban Quản lý Dự án “Nhân rộng phương pháp tiếp cận khu công nghiệp sinh thái để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam” Bộ Tài chính ( Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước đây), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) phối hợp với Ban Quản lý các Khu Kinh tế thành phố Hải Phòng tổ chức. Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng khung chính sách về tuần hoàn, tái sử dụng nước, thảo luận về những thách thức và đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện khung chính sách tái sử dụng nước đã qua xử lý tại các khu công nghiệp.

Nước là nguồn tài nguyên thiết yếu đối với đời sống và sản xuất. Việc tái sử dụng, tái chế và tuần hoàn tài nguyên nước đã được Chính phủ Việt Nam quy định trong nhiều văn bản pháp luật quan trọng như Luật Tài nguyên nước 2023, Luật Bảo vệ môi trường 2020 cùng các nghị định liên quan. Tuy nhiên, các hướng dẫn cụ thể về tuần hoàn và tái sử dụng nước trong khu công nghiệp vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, gây ra một số khó khăn trong triển khai thực tế. Hội thảo là cơ hội để các bên liên quan đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy việc sử dụng bền vững tài nguyên nước trong bối cảnh phát triển kinh tế tuần hoàn.


Tại hội thảo bà Nguyễn Tú Anh, Trưởng phòng Kinh tế và Quản lý Tài nguyên nước, Viện Khoa học Tài nguyên nước (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), đã trình bày về các quy định pháp lý hiện hành trong tuần hoàn tái sử dụng nước nói chung và các KCN nói riêng. Theo bà Tú Anh, nhu cầu sử dụng nước trong các KCN dự kiến sẽ tăng gấp bốn lần vào năm 2050, trong khi tỷ lệ tái sử dụng nước vẫn ở mức rất thấp.


Chia sẻ về thực tiễn xử lý và tái sử dụng nước thải trong KCN, bà Diệp Thị Kim Hoàn, Giám đốc Phát triển Bền vững KCN DEEP C, cho biết hiện nay DEEP C vận hành ba nhà máy xử lý nước thải với công nghệ tiên tiến, tổng công suất lên đến 13.000 m³/ngày đêm. Nước sau xử lý có thể được sử dụng cho nhiều mục đích như rửa đường, tưới cây, làm sạch tấm pin năng lượng mặt trời và tái sử dụng cho các doanh nghiệp trong KCN. Tuy nhiên, việc triển khai các giải pháp này vẫn gặp nhiều khó khăn do chưa có quy chuẩn kỹ thuật cụ thể cho từng mục đích tái sử dụng. Ngoài ra, vấn đề hợp tác giữa doanh nghiệp và khu công nghiệp trong tái sử dụng nước thải sau xử lý còn gặp nhiều khó khăn, chưa có hướng dẫn rõ ràng.

Tại hội thảo, PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương, Viện Khoa học Công nghệ Môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, chuyên gia tư vấn của UNIDO trình bày đề xuất về khung chính sách hướng dẫn chi tiết việc tái sử dụng nước đã qua xử lý trong khu vực sản xuất công nghiệp tại các DN trong và ngoài KCN cả về các mặt kỹ thuật và quản lý. Trên cơ sở khảo sát nhu cầu thực tế từ các KCN, giai đoạn đầu sẽ tập trung xây dựng tiêu chuẩn và hướng dẫn tái sử dụng cho các hoạt động như rửa đường, tưới cây xanh và thảm cỏ.


Trong phiên thảo luận tại hội thảo, các đại biểu đã tích cực đóng góp ý kiến nhằm tìm kiếm giải pháp xây dựng khung pháp lý cho việc tái sử dụng nước trong khu công nghiệp (KCN). Tổng cộng có 13 lượt ý kiến được đưa ra, nhấn mạnh sự cấp thiết của việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật nhằm thúc đẩy tái sử dụng nước cho các mục đích như tưới cây xanh, thảm cỏ, rửa đường.


Các chuyên gia và doanh nghiệp đều thống nhất rằng, để triển khai hiệu quả, cần giảm nhẹ các thủ tục hành chính liên quan tái sử dụng nước tạo động lực thúc đẩy quá trình thực hiện. Một số ý kiến cũng đề xuất tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế về tuần hoàn nước nhưng cần đảm bảo tính thực tiễn và khả thi khi áp dụng vào bối cảnh Việt Nam. Đồng thời cũng cần tham vấn ý kiến từ doanh nghiệp, khu công nghiệp và cơ quan quản lý là yếu tố quan trọng để xây dựng chính sách hiệu quả, phù hợp với nhu cầu thực tế.


Phát biểu kết luận hội thảo, TS. Nguyễn Trâm Anh, Quản lý Dự án Quốc gia, Chương trình KCN Sinh thái Toàn cầu tại Việt Nam (GEIPP), nhấn mạnh rằng UNIDO sẽ tiếp tục hợp tác với các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và chuyên gia để nghiên cứu mô hình quốc tế về tái sử dụng nước sau xử lý. Trên cơ sở đó, chương trình sẽ đề xuất các giải pháp cụ thể phù hợp với điều kiện Việt Nam, bao gồm đề xuất xây dựng tiêu chuẩn về tuần hoàn nước sau xử lý đối với một số mục đích cụ thể và triển khai thí điểm tại các địa phương đang thực hiện mô hình KCN sinh thái như Hải Phòng và Bắc Ninh.

Hội thảo tại Hải Phòng là sự kiện khởi đầu cho chuỗi tham vấn chính sách về khung pháp lý tái sử dụng nước trong KCN. Hội thảo tiếp theo dự kiến sẽ được tổ chức tại Đồng Nai, tập trung thảo luận chuyên sâu hơn về đề xuât khung chính sách và giải pháp thực tiễn nhằm đẩy nhanh quá trình triển khai.