27 03 2025

Hội thảo Tham vấn Chính sách về Tuần hoàn và Tái sử dụng Nước trong Khu công nghiệp tại khu vực phía Nam

Đồng Nai, ngày 27/3/2025 — Hội thảo “Tham vấn Khung chính sách về tuần hoàn và tái sử dụng nước trong các khu công nghiệp tại Việt Nam” đã diễn ra tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Đây là hội thảo thứ hai trong chuỗi tham vấn chính sách do Ban Quản lý Dự án “Nhân rộng phương pháp tiếp cận khu công nghiệp sinh thái để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam”, Bộ Tài chính (Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước đây), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) phối hợp cùng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai tổ chức, nhằm thu thập ý kiến đóng góp từ các bên liên quan cho việc xây dựng đề án khung chính sách trình Chính phủ.


Trong khi hội thảo đầu tiên tổ chức tại Hải Phòng vào ngày 12/3 tập trung đánh giá thực trạng và chia sẻ kinh nghiệm từ các khu công nghiệp (KCN) khu vực phía Bắc, thì hội thảo lần này mở rộng phạm vi tham vấn tới các KCN khu vực phía Nam,  nơi có mật độ phát triển công nghiệp cao và nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, đặc biệt là trong mùa khô.


Tại hội thảo, PGS.TS Đỗ Khắc Uẩn, Phó Trưởng khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nhấn mạnh vai trò của tái sử dụng nước trong phát triển công nghiệp bền vững, đóng góp vào nền kinh tế tuần hoàn và cam kết phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam vào năm 2050. Nhiều mô hình quốc tế như KCN Kwinana (Úc), Map Ta Phut (Thái Lan) hay đô thị Kalundborg (Đan Mạch) đã chứng minh tiềm năng và tính khả thi của mô hình này trong giảm phụ thuộc tài nguyên, tăng lợi nhuận, bảo vệ môi trường và đảm bảo sức khỏe cộng đồng.


Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc cấp cao Quản lý Nước và Môi trường, Công ty CP Đô thị Amata Biên Hòa, chia sẻ về những khó trong triển khai tái sử dụng nước tại KCN. Ông Tuấn cho biết, lượng nước thải từ KCN Amata Biên Hoà vào khoảng 2,1 triệu m3 hàng năm, nước đã qua xử lý đạt tiêu chuẩn A, rất phù hợp với nhu cầu tái sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Các giải pháp và công nghệ phục vụ cho việc tuần hoàn và tái sử dụng nước hiện đã sẵn có, tính hiệu quả về kinh tế đã được chứng minh. Việc tái sử dụng nước đã qua xử lý nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn phụ thuộc vào một khung chính sách cụ thể.



PGS. TS Hoàng Thị Thu Hương, Viện Khoa học Công nghệ Môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, chuyên gia tư vấn của UNIDO đã đề xuất các khuyến nghị cho khung chính sách, tập trung vào ba yếu tố chính: xây dưng tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp cho từng mục đích tái sử dụng nước, quy định pháp lý rõ ràng cho các mục đích cụ thể như rửa đường, tưới cây và làm mát thiết bị và nhận được nhiều nhiều ý kiến đóng góp thiết thực. Theo bà Võ Thanh Thủy, Phó trưởng phòng Quản lý Môi trường, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, chủ trương tuần hoàn tái sử dụng nước đã được khuyến khích từ nhiều năm trước trong các nghị định 54/2015/NĐ-CP, luật Tài nguyên nước 2022 nhưng chưa  triển khai được do thiếu hướng dẫn cụ thể. Bà nhấn mạnh, nếu có thông tư hướng dẫn rõ ràng thì các KCN và doanh nghiệp hoàn toàn sẵn sàng triển khai và phối hợp giám sát. Bà Dương Xuân Nương, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai, khẳng định rằng nhu cầu tái sử dụng nước tại các KCN là rất lớn, và việc xây dựng khung chính sách về nước thải công nghiệp là một nhiệm vụ cấp thiết, không thể chậm trễ.



Phát biểu bế mạc hội thảo, bà Nguyễn Trâm Anh, Quản lý Dự án Quốc gia, Chương trình Khu công nghiệp sinh thái toàn cầu (GEIPP) Việt Nam, nhấn mạnh: "Sự chậm trễ trong việc xây dựng khung pháp lý cho tái sử dụng nước đã xử lý trong các KCN  sẽ dẫn đến lãng phí lớn về kinh tế. Theo ước tính sơ bộ nếu mỗi KCN  có thể tiết kiệm hàng trăm triệu đồng nếu áp dụng tái sử dụng nước thì với  hơn 400 KCN trên cả nước, tiềm năng tiết kiệm  là rất đáng kể".


Sau hai hội thảo tham vấn tại Hải Phòng và Đồng Nai, dự án sẽ phối hợp với các chuyên gia trong và ngoài nước cùng các bên liên quan để xây dựng và đề xuất khung chính sách về tuần hoàn và tái sử dụng nước trong KCN, trình lên các cơ quan quản lý  trong thời gian tới.