Ngày 25 tháng 2 năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với UNIDO tổ chức họp định kỳ Ban chỉ đạo dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” (Dự án) dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến tại Hà Nội. Các thành viên Ban Chỉ đạo tham gia dự họp gồm đại diện các Bộ Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, đại diện Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế các tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, Hồ Chí Minh và Cần Thơ, đại diện Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sỹ (SECO), đại diện UNIDO Việt Nam và UNIDO Trụ Sở Chính.
Ngoài ra, cuộc họp còn có sự tham dự của doanh nghiệp phát triển hạ tầng các khu công nghiệp tham gia Dự án như: Đình Vũ (Deep C), Hòa Khánh, Amata, Hiệp Phước, Trà Nóc 1&2.
Ông Lê thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý KKT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư- Giám đốc Dự án chủ trì cuộc họp.
Ban Quản lý Dự án đã báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện các hoạt động của Dự án trong năm 2021 theo 02 hợp phần (1) Tăng cường năng lực và lồng ghép các chính sách về KCN sinh thái trong chính sách KCN quốc gia tại Việt Nam và (2) Hỗ trợ các địa phương chuyển đổi các KCN thông thường sang KCN sinh thái. Trên cơ sở phân tích các kết quả, thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai, Ban Quản lý Dự án đề xuất Kế hoạch thực hiện năm 2022 và một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ Dự án.
Một số đóng góp quan trọng của Dự án năm 2021 gồm: cung cấp các nghiên cứu làm cơ sở đề xuất các nội dung tại văn bản hướng dẫn thực hiện khu công nghiệp sinh thái; đề xuất các nội dung về khu công nghiệp sinh thái tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 82/2018/ND-CP ngày 22 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế; đóng góp các nội dung về cộng sinh công nghiệp, kinh tế tuần hoàn trong dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ Môi trường 2020; tổ chức thành công các khoá học, đào tạo trực tuyến về khu công nghiệp sinh thái cho các Ban Quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế và công ty phát triển hạ tầng (thu hút 366 đại biểu), 3 khóa đào tạo chuyên đề cho 200 đại biểu từ công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp và doanh nghiệp thứ cấp tại các KCN Đình Vũ (Deep C), Hiệp Phước và Amata; bước đầu triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái đối với các khu công nghiệp tham gia Dự án.
Đánh giá về kết quả chung của Dự án, Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ quản lý các KKT, Giám đốc Dự án, chủ trì phiên họp nhận định: Dù chịu ảnh hưởng đáng kể bởi dịch Covid-19 nhưng Dự án đã hoàn thành cơ bản các nội dung của kế hoạch 2021, giải ngân đạt tiến độ đề ra và được đánh giá là 2 trong 7 nước có tiến độ triển khai tốt theo Chương trình KCN sinh thái toàn cầu.
Đại diện SECO, bà Sibylle Bachman đánh giá cao nỗ lực của Dự án trong thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực trong điều kiện các hoạt động của xã hội bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid trong suốt 1 năm qua. Đồng thời bà cũng nhấn mạnh mong muốn của SECO trong việc Dự án tiếp tục mở ra các định hướng nghiên cứu về kinh tế tuần hoàn trong nội dung của KCN sinh thái, kết nối với các mục tiêu tăng trưởng xanh, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26. Với các định hướng này Bà Sibylle tin rằng Dự án sẽ đóng vai trò quan trọng trong góp phần hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Chính Phủ Việt Nam trong thời gian tới.
Bà Muge Dolun, Quản lý Dự án tại UNIDO trụ sở chính khẳng định ngoài các hoạt động đã được Ban Quản lý Dự án đề xuất cho kế hoạch năm 2022, Dự án sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tài chính xanh bằng việc nghiên cứu áp dụng công cụ tài chính trực tuyến đã được UNIDO nghiên cứu thực hiện thành công ở Nam Phi. Đồng thời bà Muge cũng khẳng định mong muốn Dự án mở rộng nghiên cứu về kinh tế tuần hoàn như SECO đã đề cập.
Định hướng cho các hoạt động năm 2022, Ban chỉ đạo Dự án thống nhất Dự án cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với các địa phương để hoàn tất các hoạt động chưa đạt tiến độ năm 2021 do dịch Covid-19, đồng thời, nhất trí thông qua một số nhiệm vụ cụ thể như sau:
(i) Tiếp tục hỗ trợ xây dựng các chính sách liên quan đến thực hiện KCN sinh thái như: nghiên cứu, đề xuất phương án tháo gỡ rào cản cho KCN sinh thái (tái sử dụng nước thải và chất thải); lồng ghép và đẩy mạnh giải pháp KCN sinh thái trong kinh tế tuần hoàn, Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh, đóng góp vào cam kết thực hiện mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26; tham mưu các nội dung hướng dẫn thực hiện KCN sinh thái tại các văn bản pháp lý liên quan.
(ii) Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật về KCN sinh thái (hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn và cộng sinh công nghiệp) tại các KCN thí điểm, hoàn thành các yêu cầu, điều kiện của KCN sinh thái.
(iii) Tăng cường các hoạt động tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực về pháp lý và kỹ thuật triển khai KCN sinh thái cho các cơ quan quản lý nhà nước về KCN ở trung ương và địa phương, doanh nghiệp phát triển hạ tầng KCN và doanh nghiệp thứ cấp trong KCN.
(iv) Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động truyền thông, phổ biến và nâng cao nhận thức về KCN sinh thái.
Các thành viên Ban chỉ đạo Dự án đánh giá cao sự phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UNIDO, các bộ ngành liên quan và địa phương trong việc đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, tiến độ giải ngân theo kế hoạch 2021 trong bối cảnh dịch bệnh COVID 19 diễn biến phức tạp; đồng thời tin tưởng vào việc hoàn thành kế hoạch 2022 như dự kiến đề ra.