29 Aug 2023

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UNIDO hỗ trợ triển khai hoạt động cộng sinh công nghiệp đô thị tại khu công nghiệp Hiệp Phước

Ngày 29 tháng 8 năm 2023 tại thành phố Hồ Chí Minh, UNIDO phối hợp với Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cuộc họp với các bên liên quan nhằm thảo luận về tính khả thi, cách thức và kế hoạch triển khai các giải pháp cộng sinh công nghiệp đô thị giữa khu công nghiệp Hiệp Phước và khu vực đô thị xung quanh góp phần chuyển đổi khu công nghiệp Hiệp Phước sang mô hình khu công nghiệp sinh thái.

Tham dự cuộc họp gồm các đại diện lãnh đạo và cán bộ phụ trách môi trường, kỹ thuật của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường, chuyên gia và đại diện của Tổ chức Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) và đại diện Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO).

Tại cuộc họp, ông Lê Xuân Thịnh, chuyên gia của UNIDO giới thiệu chung về khu công nghiệp sinh thái và 4 nghiên cứu khả thi về cộng sinh công nghiệp đô thị cho khu công nghiệp Hiệp Phước. Các giải pháp cộng sinh công nghiệp đô thị gồm:

  • Chia sẻ nhân lực và trang thiết bị cứu hỏa giữa KCN Hiệp Phước và huyện Nhà Bè
  • Phát triển dịch vụ xe đưa đón người lao động làm việc tại KCN Hiệp Phước
  • Phát triển nhà ở xã hội cho người lao động làm việc tại KCN Hiệp Phước
  • Xử lý bổ sung nước thải sau xử lý của hệ thống xử lý nước thải KCN để tưới cây trong khuôn viên KCN Hiệp Phước và khu vực lân cận

Trong quá trình tham gia thảo luận chi tiết về các đề xuất này, các đại biểu tham dự đánh giá cao lợi ích của cộng sinh công nghiệp đô thị đem lại cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp và địa phương. Việc triển khai các hoạt động cộng sinh công nghiệp đô thị do các chuyên gia của UNIDO đề xuất cho Hiệp Phước và TP. Hồ Chí Minh sẽ giúp tăng cường khả năng ứng phó sự cố với hỏa hoạn của TP. Hồ Chí Minh, giảm thiểu vấn đề tắc đường, tăng nguồn thu cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải xe buýt, giảm tiêu thụ tài nguyên nước và giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên vẫn còn nhiều rào cản cần được khắc phục và tháo gỡ, chẳng hạn như thay đổi thói quen của người lao động, thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng nước thải công nghiệp sau xử lý sử dụng trong khu công nghiệp cho mục đích tưới cây, rào cản về cơ chế vốn, quỹ đất, chính sách và thủ tục hành chính trong phát triển nhà ở xã hội.

Trên cơ sở cân nhắc các lợi ích và các thuận lợi và khó khăn của từng giải pháp cộng sinh công nghiệp, các đại biểu đã thống nhất hai giải pháp ưu tiên là (1) Chia sẻ nhân lực và trang thiết bị cứu hỏa giữa KCN Hiệp Phước và huyện Nhà Bè; và (2) Phát triển dịch vụ xe đưa đón người lao động làm việc tại KCN Hiệp Phước để xây dựng đề án chi tiết và đưa ra các khuyến nghị về chính sách nhằm hỗ trợ việc hiện thực hóa các giải pháp góp phần phát triển Thành phố theo hướng hiện đại và bền vững.

Ông Phạm Văn Trực, phó trưởng ban quản lý các khu chế xuất thành phố Hồ Chí Minh khẳng định rằng các kết quả nghiên cứu về cộng sinh công nghiệp này sẽ góp phần thực hiện đề án chuyển đổi khu công nghiệp giai đoạn 2021-2025 của Thành phố Hồ Chí Minh với định hướng ưu tiên chuyển đổi theo mô hình khu công nghiệp sinh thái đối với khu công nghiệp có khả năng đáp ứng tiêu chuẩn. Đồng thời, ông Trực cam kết Ban quản lý các khu chế xuất thành phố Hồ Chí Minh sẽ đồng hành và phối hợp chặt chẽ với khu công nghiệp Hiệp Phước và các chuyên gia UNIDO nhằm thúc đẩy triển khai thành công các giải pháp này.

Bà Nguyễn Trâm Anh, Đại diện Ban quản lý dự án Khu công nghiệp sinh thái bày tỏ lời cảm ơn đến Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh và tất cả các đơn vị tham gia trong phiên họp. Bà Trâm Anh cũng nhấn mạnh rằng để triển khai thành công các cơ hội cộng sinh công nghiệp đô thị thì việc hợp tác giữa các bên là rất quan trọng, các cơ hội cộng sinh công nghiệp, đô thị nếu được triển khai sẽ đem lại các tác động tích cực đến lợi ích cộng đồng và giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường. Bà Trâm Anh cũng bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến sự tham gia đóng góp ý kiến và đề xuất của đại diện các bên liên quan về 04 cơ hội cộng sinh công nghiệp đô thị do chuyên gia của Dự án trình bày. Sau buổi họp hôm nay, các chuyên gia của Dự án sẽ tiến hành hoàn thiện báo cáo về các cơ hội cộng sinh công nghiệp đô thị theo ý kiến góp ý của các bên liên quan để đảm bảo tính khả thi của cac cơ hội và phản ánh tốt nhất nhu cầu và mục tiêu của tất cả các bên liên quan.

Ông Đỗ Quang Huy, Đại diện nhà tài trợ SECO nhấn mạnh việc nghiên cứu thực hiện các cơ hội cộng sinh công nghiệp đô thị tại KCN Hiệp Phước như một đánh giá ban đầu về tiềm năng thực hiện cộng cộng sinh công nghiệp đô thị tại thành phố HCM, những nghiên cưu này sẽ góp phần đưa ra các gợi ý cho định hướng cho các hoạt động tiếp theo của SECO trong việc hỗ trợ tp. HCM thành một đại đô thị phát triển bền vững.

 KCN Hiệp Phước (thành phố Hồ Chí Minh) là 1 trong 3 KCN được lựa chọn tham gia Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” do Cơ quan Hợp tác Phát triển Thụy Sỹ (SECO) tài trợ trong giai đoạn 2020-2023. Dự án đã hỗ trợ đánh giá hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn cho 31 doanh nghiệp với 300 giải pháp, đề xuất 7 giải pháp cộng sinh công nghiệp và 04 giải pháp cộng sinh công nghiệp đô thị. Qua đó ước tính giúp các doanh nghiệp tiết kiệm hơn 93 tỷ đồng/năm, giảm hơn 200 nghìn m3 nước và 28,5 nghìn tấn CO2tđ/năm.