07 Nov 2023

Ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc trao đổi về tình hình hợp tác phát triển, đầu tư, thương mại giữa Việt Nam - Thụy Sỹ, đặc biệt Thứ trưởng đánh giá cao kết quả đạt được của các dự án Phát triển Khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam do Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ tài trợ, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) triển khai thực hiện.

Thay mặt Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc bày tỏ cảm ơn sâu sắc và mong muốn Chính phủ Thụy Sỹ tiếp tục hỗ trợ phát triển KCN sinh thái cho Việt Nam. “Việt Nam rất mong muốn Thụy Sỹ tiếp tục tăng quy mô hỗ trợ cho Việt Nam để Việt Nam đạt được các mục tiêu: (1) Chuyển đổi KCN hiện hữu sang KCN sinh thái; (2) Xây dựng KCN sinh thái mới; (3) Thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn cho các dự án trong và ngoài KCN của Việt Nam; (4) Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đối với các doanh nghiệp nói chung và KCN, KKT nói riêng”.

Ông Dominique Paravicini khẳng định, Việt Nam và Thụy Sỹ đã có quan hệ ngoại giao hơn 50 năm với các chương trình, dự án hợp tác phát triển tại Việt Nam và sẽ tiếp tục tăng cường trong thời gian tới. Ông Dominique Paravicini chia sẻ “Việt Nam là một trong những nước trung tâm sản xuất của thế giới, nhiều khu công nghiệp không được chuyển đổi xanh và bền vững sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện cam kết tham vọng của Việt Nam là đạt được phát thải ròng bằng 0 vào 2050”.

Bà Lê Thị Thanh Thảo, Trưởng đại diện UNIDO tại Việt Nam đánh giá cao vai trò của các KCN trong phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Bên cạnh những kết quả tích cực mà các KCN đã đạt được, quá trình công nghiệp hóa với tốc độ nhanh tại Việt Nam đã đặt ra nhiều thách thức về môi trường và xã hội. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển, trong đó có chuyển đổi KCN theo hướng bền vững hơn.

Từ năm 2015 đến nay, UNIDO rất vinh dự đồng hành cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện tư vấn chính sách và thí điểm chuyển đổi 7 KCN truyền thống sang KCN sinh thái với nguồn tài trợ từ SECO, nhằm thúc đẩy hiệu quả sử dụng tài nguyên, cộng sinh công nghiệp và cải thiện phúc lợi cho người lao động, cũng như cộng đồng xung quanh.

Trong giai đoạn 2 của dự án trong 4 năm tiếp theo, UNIDO sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bên liên quan để nhân rộng mô hình KCN sinh thái, nhằm phát huy được vai trò tích cực trong chiến lược phát triển bền vững của quốc gia về các mặt: Chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối, cũng như đối thoại chặt chẽ giữa các bên liên quan. Việt Nam là một trong 5 quốc gia được phân bổ nguồn lực lớn nhất, đồng nghĩa với nỗ lực của chúng tôi sẽ còn phải nhiều hơn nữa”, bà Thanh Thảo bày tỏ.

Trên cơ sở những kết quả hợp tác tích cực giữa SECO, UNIDO và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thời gian qua; Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển KCN sinh thái tại Việt Nam giai đoạn 2024-2028 thuộc Chương trình KCN sinh thái toàn cầu do Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ, nhằm nhân rộng mô hình KCN sinh thái tại Việt Nam, hướng đến mục tiêu thúc đẩy việc phát triển các KCN tại Việt Nam theo hướng bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội, đem lại lợi ích cho cộng đồng và quốc gia;

Biên bản ghi nhớ ký kết giữa Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ về hợp tác phát triển khu công nghiệp sinh thái Việt Nam giai đoạn 2024-2028. Dự án mới do Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ tài trợ, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UNIDO thực hiện trong khuôn khổ Chương trình Khu công nghiệp sinh thái toàn cầu (GEIPP) giai đoạn 2024 - 2028 để nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái, thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam theo Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu với mục tiêu thúc đẩy việc phát triển các khu công nghiệp theo hướng bền vững theo quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Mục tiêu chính của việc hợp tác nhằm nâng cao tính bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội của hoạt động công nghiệp, đem lại lợi ích cho cộng đồng và quốc gia.

Ông Thomas Gass, Đại sứ Liên bang Thụy Sỹ tại Việt Nam và ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đại diện cho hai bên đối tác của Thụy Sỹ và Việt Nam ký kết hợp tác.