24 Oct 2023

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tiếp và làm việc với Quốc vụ khanh phụ trách kinh tế Thụy Sỹ tại Khu công nghiệp Hiệp Phước

Tham dự buổi làm việc và khảo sát gồm Quốc vụ khanh phụ trách kinh tế của Thụy Sỹ và các thành viên đoàn công tác của Thụy Sỹ, Lãnh đạo Ban Quản lý Dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện Lãnh đạo Ban quản lý các KCX và CN thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Lãnh đạo công ty cổ phần KCN Hiệp Phước, đại diện Dự án chương trình KCN sinh thái Việt Nam (GEIPPVN).

Tại cuôc họp ông Giang Ngọc Phương, phó tổng giám đốc KCN Hiệp Phước đã trình bày khái quát các kết quả thực hiện chuyển đổi của KCN Hiệp phước sang mô hình KCN sinh thái với sự hỗ trợ của Dư án GEIPP VN. Theo đó, Dự án GEIPP VN đã hỗ trợ đánh giá hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn cho 31 doanh nghiệp với 300 giải pháp, đề xuất 07 giải pháp cộng sinh công nghiệp và 04 giải pháp cộng sinh công nghiệp đô thị. Qua đó ước tính giúp các doanh nghiệp tiết kiệm hơn 93 tỷ đồng/năm, giảm hơn 200 nghìn m3 nước và 28,5 nghìn tấn CO2tđ/năm.

Đánh giá về các kết quả chuyển đổi KCN sinh thái trong thời gian qua, ông Lê Thành Quân Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Ban quản lý Dự án KCN sinh thái khẳng định cho đến nay Việt Nam đang là một trong những quốc gia dẫn đầu thực hiện tốt chương trình KCN sinh thái toàn cầu và các KCN thí điểm trong đó có Hiệp Phước đang thực hiện rất hiệu quả các hoạt động chuyển đổi. Đạt được kết quả này là nhờ sự hỗ trợ của Thụy Sỹ cũng như các hỗ trợ kỹ thuật quan trọng của UNIDO, nhận thức đúng đắn các cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp về tính tất yếu của việc chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái.

Thống nhất với nhận định của Ông Lê Thành Quân,Ông Werner Gruber, Trưởng phòng hợp tác, Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam cho biết, SECO rất ấn tượng và đánh giá cao các kết quả mà Dự án đã đạt được trong thời gian vừa qua. Các kết quả này cho thấy lợi ích của các hoạt động chuyển đổi KCN sinh thái không chỉ ở khía cạnh môi trường mà còn ở khía cạnh kinh tế. Ông Weger cũng mong muốn trong thời gian tới, Dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ các KCN tại Việt Nam tiếp tục chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái với việc tập trung hỗ trợ loại bỏ các rào cản chính sách trong việc thực hiện các giải pháp cộng sinh công nghiệp như tái sử dụng nươc thải sau xử lý hay giải pháp thực hiện điện mặt trời áp mái cho các doanh nghiệp và KCN.

Kết luân buổi làm việc Ông Dominique Paravicini, Quốc Vụ Khanh Phụ trách kinh tế Thụy Sỹ cho biết hỗ trợ chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái là một trong những chương trình hợp tác quan trọng của Thụy Sỹ tại Việt Nam. Quá trình chuyển đổi KCN sinh thái tạo ra sự phát triển bền vững tạo ra sự cân bằng giữa phát triển kinh tế, tác động lên môi trường cũng như tác động lên xã hội. Ông cũng mong muốn KCN Hiệp Phước cũng các KCN được hỗ trợ chuyển đổi trong khuôn khổ chương trinh KCN sinh thái toàn cầu sẽ trở thành các mô hình KCN mẫu tại Việt Nam.