10 Dec 2024

THIẾT KẾ THEO HƯỚNG TUẦN HOÀN TRONG LĨNH VỰC CÔNG NGHIỆP NỀN TẢNG ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Ngày 10/12/2024 trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Tuần hoàn lần thứ 3  do Viện Chiến lược Tài nguyên Môi trường phối hợp với các Tổ chức quốc tế thực hiện với chủ đề “Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam- Từ Kế hoạch đến hành động”, UNIDO đã điều phối phiên thảo luận chuyên sâu với nội dung “Thiết kế theo hướng tuần hoàn trong khu công nghiệp” với sự tham gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT), Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), Ban quản lý khu công nghiệp sinh thái (KCNST), khu công nghiệp (KCN)  DEEP C, Công ty Xi măng Lam Thạch, cùng nhiều đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp.

 

Trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức đan xen giữa mất đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và tăng trưởng thiếu bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) được xem là giải pháp quan trọng để giảm thiểu lãng phí tài nguyên, bảo vệ môi trường và tối ưu hóa lợi ích kinh tế. Phiên thảo luận này hướng đến việc chia sẻ định hướng, kinh nghiệm, sáng kiến và khả năng vận dụng KTTH trong các KCNST thông qua các giải pháp cộng sinh công nghiệp và lợi ích của chúng trong tình hình hiện nay.

 

 

Ông Hoàng Anh Phú, Vụ quản lý các Khu kinh tế, Bộ KH&ĐT trình bày về khung pháp lý thúc đẩy cộng sinh công nghiệp trong buổi thảo luận.

 

Tại phiên thảo luận, ông Hoàng Anh Phú, Vụ quản lý các Khu kinh tế, Bộ KH&ĐT đã trình bày về khung pháp lý thúc đẩy cộng sinh công nghiệp, nhấn mạnh nền tảng chính sách đã được xây dựng để hỗ trợ chuyển đổi KCN hiện tại sang mô hình KCNST.

 

Ông Christian Susan, Giám đốc Dự án Toàn cầu về KCNST của UNIDO, trình bày về các hoạt động cộng sinh công nghiệp trên toàn cầu, minh họa những thành công tại các KCNST trên thế giới. Ông nhấn mạnh, “Bản chất thiết kế của KCNST đã là một mô hình KTTH. Thiết kế KCNST hướng đến sự cân bằng giữa phát triển kinh tế, môi trường và xã hội, bao gồm: Tối ưu hóa sử dụng tài nguyên – tái chế chất thải thành nguyên liệu đầu vào, giảm nhu cầu sử dụng tài nguyên mới; giảm khí thải nhà kính – tận dụng năng lượng tái tạo và công nghệ xanh, giúp các khu công nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường hiệu quả kinh tế – giảm chi phí vận hành và sản xuất, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu."

 

 

Từ trái qua phải, các đại diện của UNIDO, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức, Khu công nghiệp DEEP C, Công ty Xi măng Lam Thạch tham gia buổi thảo luận.

 

Từ phía khu vực tư nhân, đại diện từ các khu công nghiệp và doanh nghiệp đều nhất trí rằng định hướng tuần hoàn là một trong những giải pháp lý tưởng nhất hiện nay, giúp tối ưu  hóa tài nguyên, giảm phát thải, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế và tạo động lực phát triển bền vững cho ngành công nghiệp.

 

Ông Bruno Jaspaert, Giám đốc điều hành KCN DEEP C, Hải Phòng phát biểu: "Chuyển đổi sang KCNSTlà giải pháp hoàn hảo cho tất cả các thách thức của Việt Nam hiện nay. KCN càng được thiết kế theo hướng bền vững càng có khả năng tạo ra lợi nhuận tốt hơn. Dù vốn đầu tư ban đầu có thể lớn hơn nhưng vô cùng đáng giá."

 

Ông Tô Hoàng, đại diện Công ty Xi măng Lam Thạch, chia sẻ: "Trước đây, ngành xi măng được coi là một trong những ngành công nghiệp gây ô nhiễm lớn, chiếm tới 7% khí thải toàn cầu. Do đó, chúng tôi đã chuyển sang ứng dụng công nghệ đồng xử lý chất thải là một công nghệ xử lý triệt để và tiên tiến đã được áp dụng trên thế giới. Bản chất của công nghệ là giúp biến chất thải thành nguyên liệu sản xuất xi măng, vì vậy thay vì khai thác tài nguyên, chúng tôi góp phần vào việc giải quyết các thách thức về môi trường bằng cách biến chất thải thành nguyên liệu mới. Đồng thời công nghệ giúp giảm thiểu sử dụng than đá trong quá trình sản xuất xi măng vì vậy đã giúp giảm thiểu sử dụng nguyên liệu hóa thạch cho quá trình này. Có thể thấy lợi ích về kinh tế và môi trường rất rõ rệt, nhưng  vẫn còn nhiều rào cản trong việc tiếp cận tới nguồn nguyên liệu sản xuất, vì vậy chúng tôi vẫn cần hỗ trợ trong việc tiếp cận nguồn chất thải ổn định."

 

Việc nhân rộng các mô hình KTTH thành công để đạt được tác động lớn hơn, vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là bài toán tài chính. Theo ông Dennis Quennet, Giám đốc chương trình Phát triển kinh tế bền vững, GIZ, bền vững và kinh tế là hai vấn đề cần giải quyết song song. "Một nền kinh tế chưa ổn định sẽ rất khó đạt được các mục tiêu bền vững, nhưng ngược lại, sự phát triển kinh tế thiếu bền vững sẽ để lại những hệ lụy lâu dài cho môi trường và xã hội."

 

Cũng trong phiên thảo luận, các đại biểu nhấn mạnh vai trò then chốt của chính phủ trong việc tháo gỡ rào cản và thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình sản xuất bền vững. Để quá trình này được triển khai hiệu quả, chính phủ cần hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng các cơ chế khuyến khích đầu tư vào công nghệ xanh và sản xuất tuần hoàn. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ tài chính, ưu đãi thuế và các chương trình đào tạo cũng cần được đẩy mạnh nhằm nâng cao năng lực thực thi cho doanh nghiệp.

 

Ông Tạ Văn Trung, đại diện Ban Quản lý Dự án KCNST, Bộ KH&ĐT, nhấn mạnh: “Việc chuyển đổi sang mô hình KCNST và áp dụng KTTH đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan. Chính phủ cần đóng vai trò chủ đạo trong việc hoàn thiện khung pháp lý và ban hành chính sách hỗ trợ. Doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ và triển khai các giải pháp cộng sinh công nghiệp. Trong khi đó, các tổ chức quốc tế có thể cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và đào tạo, còn cộng đồng nghiên cứu và các tổ chức tài chính sẽ thúc đẩy phát triển công nghệ xanh và mở rộng nguồn vốn ưu đãi.”

 

Các đại biểu cũng thống nhất rằng, sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên là chìa khóa để tháo gỡ các rào cản hiện có, từ đó đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi sang mô hình KCNST và KTTH, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

 

Đại diện UNIDO Toàn cầu, bà Adrianna Mariana, cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển khung chính sách và quy định hỗ trợ phát triển KCNST theo hướng KTTH, tiếp tục mở rộng các KCNST, đào tạo và tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ từ quốc tế cho Việt Nam thúc đẩy KTTH trong công nghiệp.

Toàn cảnh chương trình thảo luận "Thiết kế theo hướng tuần hoàn trong khu công nghiệp”

 

Kết thúc phiên thảo luận, bà Nguyễn Trâm Anh, đại diện UNIDO Việt Nam và cũng là điều phối viên của buổi làm việc, nhấn mạnh rằng mặc dù còn nhiều việc cần triển khai để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, đặc biệt trong các KCN, nhưng sự đồng thuận và nhận thức ngày càng cao về tầm quan trọng của chuyển đổi này là một tín hiệu tích cực.

Theo bà Trâm Anh, việc các bên cùng chung tay hành động đã mở ra triển vọng cho một bước chuyển mình mạnh mẽ tại các doanh nghiệp và KCN. Bà bày tỏ hy vọng rằng, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Việt Nam sẽ sớm đạt được mục tiêu xây dựng nền KTTH, hướng tới phát triển bền vững trong tương lai.