07 11 2023

Hội nghị tổng kết Chương trình Khu công nghiệp sinh thái toàn cầu giai đoạn I và hướng đi tới

Hội nghị tổng kết Chương trình Khu công nghiệp sinh thái Toàn cầu (GEIPP) diễn ra từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 11 năm 2023 tại Trung tâm Quốc tế Vienna (VIC). Sự kiện này với tiêu đề “Hội nghị tổng kết Chương trình khu công nghiệp sinh thái giai đoạn 1 và hướng đi tới”. Mục tiêu chính của hội nghị là phổ biến các thông tin cập nhật liên quan đến những kết quả đạt được của các khu công nghiệp sinh thái, đồng thời là môi trường thuận lợi để trao đổi kiến thức giữa các nước tham gia Chương trình GEIPP.


Hội nghị có sự tham gia của các bên liên quan, các nhà hoạch định chính sách, các đơn vị quản lý khu công nghiệp, các nhà đầu tư phát triển khu công nghiệp và các công ty hoạt động trong các khu công nghiệp tham gia Chương trình GEIPP từ các nước Columbia, Ai Cập, Nam Phi, Peru, Ukraine, Indonesia và Việt Nam, và hội thảo là sự kiện đánh dấu thời điểm kết thúc giai đoạn đầu tiên của Chương trình GEIPP.


Ông Christian Susan, Giám đốc Chương trình GEIPP phát biểu chào mừng và điều hành

phiên chính sách

Thay mặt Ban Quản lý Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình Khu công nghiệp sinh thái toàn cầu”, ông Lê Thanh Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Dự án đã trình bày “Quá trình phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam” từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước nhằm lồng ghép quy hoạch bền vững các khu công nghiệp ở Việt Nam theo hướng mô hình khu công nghiệp sinh thái. Ông Quân giới thiệu tiến trình phát triển chính sách khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam, là một trong những định hướng quan trọng nhất hướng tới các khu công nghiệp xanh và bền vững ở Việt Nam, cụ thể được quy định trong Nghị định số 35/2022/ND-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, chiến lược sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2030, Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thúc đẩy chuyển đổi khu công nghiệp sinh thái theo hướng kinh tế tuần hoàn và khuyến khích thực hiện cộng sinh công nghiệp.

Ông Quân đề nghị Chương trình GEIPP tiếp tục (i) hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi các khu công nghiệp hiện có sang khu công nghiệp sinh thái; (ii) nhân rộng các mô hình khu công nghiệp sinh thái theo hướng kinh tế tuần hoàn, (iii) xây dựng các KCN sinh thái mới đáp ứng các quy định trong nước và phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, (iv) hoàn thiện việc phát triển cơ sở dữ liệu trực tuyến và hệ thống theo dõi, báo cáo và đánh giá đối với các công ty và các khu công nghiệp.

Trong phiên trao đổi về hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực, Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, Trưởng phòng Môi trường của Khu công nghiệp Deep C và Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Môi trường Khu công nghiệp Amata là đại diện hai khu công nghiệp tham gia dự án, phối hợp với Ông Alessandro Flammini, Điều phối viên Dự án đã trình bày các giải pháp và sáng kiến kỹ thuật cụ thể là sử dụng bột thủy tinh nghiền làm đường, chia sẻ dịch vụ cứu hỏa và tái sử dụng nước trong các khu công nghiệp.

Các đại biểu có chuyến thăm thực địa tại Thành phố Xanh của Siemens và thảo luận về chủ đề phát triển Công nghiệp 4.0 và thúc đẩy quy trình sản xuất hiệu quả hơn thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu lớn. Đây là cơ hội cho các đại biểu có cái nhìn trực tiếp về việc triển khai Công nghiệp 4.0 của Siemens và tiềm năng ứng dụng trong phát triển khu công nghiệp sinh thái.

  

Hội nghị tổng kết Chương trình GEIPP đóng vai trò nền tảng quan trọng để chia sẻ kiến thức sâu rộng và nỗ lực hợp tác giữa các quốc gia tham gia trong lĩnh vực phát triển khu công nghiệp sinh thái. Sự kiện ghi nhận những thành tựu đạt được của mỗi quốc gia và thách thức gặp phải trong quá trình thực hiện chương trình. Qua đó, cho thấy vai trò hỗ trợ kỹ thuật của UNIDO đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường của Chương trình./.