09 03 2023

Họp thường kỳ Ban chỉ đạo dự án

Hà Nội, ngày 9 tháng 3 năm 2023 - Trong khuôn khổ Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tổ chức họp Ban Chỉ đạo Dự án thường kỳ tại Hà Nội.

Cuộc họp được chủ trì bởi Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án; với sự tham dự của Bà Lê Thị Thanh Thảo, Đại diện quốc gia UNIDO tại Việt Nam; Ông Werner Gruber, Trưởng phòng Hợp tác của SECO; cùng các thành viên Ban Chỉ đạo Dự án gồm lãnh đạo các đơn vị liên quan của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính, Khoa học và Công nghệ; Lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế; Lãnh đạo doanh nghiêp đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp tham gia dự án.

Phát biểu khai mạc tại cuộc họp, Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án cho biết, Dự án đã góp phần nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam, phù hợp với Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh 2021-2030 tầm nhìn 2050, cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030 của Liên hợp quốc, cam kết thực hiện mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2021 (COP 26), Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Đồng thời nhấn mạnh

“Trong thời gian tới, đề nghị các Bên liên quan tiếp tục lan tỏa sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính đến nhiều khu công nghiệp theo từng mức độ phát triển; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin hỗ trợ đánh giá, chứng nhận, theo dõi, giám sát khu công nghiệp sinh thái; xây dựng cơ chế đối thoại, hợp tác công tư để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh quá trình thực hiện khu công nghiệp sinh thái; tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn, truyền thông về khu công nghiệp sinh thái theo đúng định hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn của Chính phủ”. 

Về vai trò quan trọng của các bên liên quan trong việc chuyển đổi các KCNST tại Việt Nam, ông Werner Gruber, Trưởng Bộ phận Hợp tác của SECO cho biết “Chúng tôi tin rằng ch uyển đổi và phát triển khu công nghiệp sinh thái là giải pháp tiên quyết về phi các bon tại Việt Nam. Việt Nam đã có những chiến lược và chính sách cho vấn đề này. Tuy nhiên, thách thức sắp tới là đưa các chính sách vào thực tiễn, đặc biệt là các giải pháp về công nghệ, sự cam kết đầu tư xanh của khu vực tư nhân, những tháo gỡ về mặt pháp lý đối với các vấn đề về kỹ thuật như: quản lý nước thải, năng lượng tái tạo, quản lý chất thải rắn, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn... Chúng tôi đánh giá cao mối quan hệ hợp tác với UNIDO, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đặc biệt sự tham gia quyết liệt của các bộ ban nghành khác liên quan để cùng tìm ra những giải pháp hiệu quả cho việc phát triển KCN sinh thái tại Việt Nam”.

Bà Lê Thị Thanh Thảo, Đại diện quốc gia của UNIDO Việt Nam, đánh giá cao vai trò quản lý nhà nước trong việc phát triển KCNST và mối quan hệ hợp tác lâu dài với Bộ KH&ĐT: "Chúng tôi nhận thấy rằng đây là cơ hội rất tốt để được lắng nghe ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước và khu vực doanh nghiệp chia sẻ các kinh nghiệm quý báu giúp cho chúng tôi, với tư cách là cơ quan thực hiện dự án, đảm bảo rằng cách tiếp cận chiến lược sẽ đem lại những kết quả quan trọng và tác động nhất định đến định hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường mà Chính phủ Việt Nam đang hướng tới”.

Tính đến năm 2022, Dự án đã thu được kết quả đáng kể:

»  Tổ chức 30 hội thảo, đào tạo trực tuyến và trực tiếp cho hơn 1.200 đại biểu nhằm nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế cho các địa phương, Ban Quản lý KCN, KKT và doanh nghiệp về KCN sinh thái.

»  Xây dựng chiến lược và các hoạt động truyền thông thông qua các hội thảo, đào tạo, xây dựng website; tuyên truyền 144 tin, bài trên các phương tiện truyền thông để chia sẻ các thông tin liên quan về hoạt động và kết quả của Dự án; thiết kế các sản phẩm truyền thông cho Dự án; nghiên cứu học tập, chia sẻ kinh nghiệm và tham gia nhiều diễn đàn quốc tế về KCN sinh thái.

»  Hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP), cụ thể đề xuất được 396 giải pháp RECP cho 51 doanh nghiệp tại 3 KCN Hiệp Phước (TP. Hồ Chí Minh), Amata (Đồng Nai) và Đình Vũ (Hải Phòng), dự kiến giúp tiết kiệm 85,5 tỷ đồng/năm và giảm phát thải 28.823 tấn CO2 tương đương/năm.

»  Hỗ trợ nghiên cứu khả thi 61 giải pháp cộng sinh công nghiệp, cộng sinh công nghiệp đô thị cho KCN Hiệp Phước (TP. Hồ Chí Minh), KCN Amata (Đồng Nai) và Đình Vũ (Hải Phòng).

 Các thành viên Ban Chỉ đạo Dự án bày tỏ cam kết mạnh mẽ sẽ hỗ trợ dự án và đã thống nhất phê duyệt kế hoạch hoạt động của dự án. Tất cả các đại biểu đánh giá cao sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ Thụy Sĩ góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững thông qua xây dựng khung chính sách của Việt Nam.

Theo kế hoạch, năm 2023, Dự án sẽ tập trung vào xây dựng chính sách, hướng dẫn kỹ thuật và cơ sở dữ liệu về khu công nghiệp sinh thái.

Chương trình hội thảo

Bài trình bày

Photos